"CÁ THU"

Các loài Cá Biển có giá trị xuất khẩu của Việt Nam-spanishmackerel-01.jpg

Tên khoa hoc: Scomberomorus commerson
Tên thương mại: Spanish Mackerel
Tên tiếng Nhật: Sawara
Tên Việt Nam: Thu, Thu Ngàn


1. Đặc điểm nhận dạng:

Cá Thu có hình dáng thuôn dài, thân hình ovan và dẹp dần về phía đuôi. Cá có màu xanh sáng bạc đến xanh đen, trên lưng màu sậm hơn dưới bụng, Cá có da mỏng, trơn và không vảy, trên da có một số sọc ngang màu xanh đen. Có 2 vi cứng trên lưng và dưới bụng, đuôi to, xẻ, có hình như đuôi mũi tên.

2. Vùng phân bố và cư trú:

Cá thu có vùng phân bố rộng, tập trung ở khu vực Đông Nam Á của Thái Bình Dương, bờ Đông và bờ Tây châu Phí, vùng biển Trung Đông, vùng biển ven bờ Băc của Ấn Độ Dương, khu vực quần đảo Fiji Tây Nam Thái Bình Dương, 2 bờ Đông Tây nước Úc. Nó cũng hiện diện ở vùng biển Trung Quốc và Nhật Bản.

Ở Việt Nam, cá Thu có thể tìm thấy ở tât cả các vùng biển từ Bắc vào đến phía Nam của Biển Đông và vùng biển Tây thuộc Vịnh Thái Lan nhưng nhiều nhất là các vùng biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc - Kiên Giang. Cá Thu sống ở vùng biển khơi, nơi có độ sâu thường trên 40 sải nước.

3. Sinh trưởng & Sinh sản:


Cá Thu sinh sản theo mùa và tập trung ở vùng khơi nơi có dòng nước ấm, gần các rạng, đá ngầm. Trứng cá Thu chứa nhiều giọt dầu nhỏ giúp chúng nổi ở tầng mặt nước biển, là nơi ấm áp, có nồng độ oxy hòa tan cao, nơi có nhiều phiêu sinh cung cấp cho ấu trùng cá khi trứng nở. Khi còn nhỏ chúng sống thành bầy đàn không lẫn lộn với các nhóm cá khác cùng họ nhưng khi lớn lên chúng có thể được tìm thấy cùng bầy đàn với các loại cá khác cùng họ.

Khi ấu trùng lớn dần, cá sẽ di chuyển từ vùng khơi vào vùng lộng. Ở đây chúng sẽ ăn ấu trùng và cá con nhỏ hơn và các loài giáp xác cho đến khi chúng đủ lớn để săn các loại cá lớn hơn và mực ống. Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia người Úc cho thấy cá Cái thường có kích thước lớn hơn Cá Đực. Một con cá cái trưởng thành sau 2 năm sinh trưởng, thông thường có chiều dài độ 80cm, cân nặng 5 kg. Con cá thu lớn nhất được ghi nhận chính thức đến thời điểm hiện nay là con cá Thu dài 2.4m nặng 70 kg

4. Tập quán săn mồi:

Cá Thu được xem là loài cá săn mồi, rất háu ăn. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài cá nhỏ, ngoài ra chúng con ăn cả Mực ống và Tôm.
Chúng thường ăn ở tầng nước trung bình đến tầng nổi (đọ sâu từ 5-40m).
Cá săn mồi nhiều nhất vào lúc sáng sớm và hoàng hôn.

5. Mùa vụ & Phương pháp đánh bắt:

Ở Việt Nam, mùa đánh bắt Cá Thu thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến tháng 3 âm lịch năm sau. Trong mùa này Cá tụ về nhiều ở các vùng biển khơi Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và Phú Quốc.

Ngư dân Việt Nam đánh bắt Cá Thu chủ yếu là Lưới Cản, Lưới Vây Rút Chì, Câu dắt, Câu Bủa nổi. Một số cần thủ câu cá giải trí đã câu được Cá Thu tại vùng biển Côn Đảo nhưng không nhiều.


6. Các dạng chế biến và giá trị xuất khẩu:

Cá Thu là một loài cá có tỷ lệ nạc cá rất lớn (nhiều thịt) ít xương, cơ thịt trắng, thơm, vị ngọt, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon. Có lẽ cá Thu là loại cá không ai có thể chê (nhưng chưa chắc được dân nhậu khen ngon!?) nên có giá trị kinh tế rất cao

Thành phần dinh dưỡng của cá Thu có thể tham khảo theo bảng dưới đây:
(tính cho 100 g nguyên liệu Cá tươi)

Kilojoules na
Cholesterol 36mg
Sodium na
Total fat (oil) 3.0g
Saturated fat 50% of total fat
Monounsaturated fat 30% of total fat
Polyunsaturated fat 20% of total fat
Omega-3, EPA 75mg
Omega-3, DHA 281mg
Omega-6, AA 66mg

Tuy nhiên, người ta cũng phát hiện có Histamine trong thịt cá Thu, thường là do bảo quản nguyên liệu không đúng cách, cơ thịt bị phân hủy dưới tác động của nhiệt độ cao và enzyme có trong máu cá.

Cá Thu thường được chế biến đông lạnh xuất khẩu dưới dạng:
• G&G (Gutted & Gilled: Móc mang, bỏ nội tạng)
• Slice (Cắt lát), hoặc Chunk (cắt khúc)
• Fillet: đây là dạng thông dụng nhất, là phần thịt cá được tách ra tù 2 bên dọc theo xương sống và xương lưng

Cá thu Fillet xuất khẩu thường được phân thành các cỡ:
300-500; 500-800; 800-1200; 1200 UP (gam/miếng)

Định mức chế biến fillet từ cá thông thường là 1.45 (1.45 kg cá cho ra 1 kg fillet)
(Hiệu suất thu hồi – Yield = 68.95-69.00%)

Trước đây, trong khoảng 1988-1995, sản lượng Cá Thu xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước (chủ yếu là Nhật Bản) rất lớn, đạt con số 8.000-10.000 tấn/năm, nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều, chủ yếu do nguồn đánh bắt giảm mạnh, phần khác do tiêu thụ nội địa với giá tốt hơn.

Với giá nguyên liệu hiện nay cỡ 60.000 Đ/kg, định mức 1.45, (tỷ giá 19,500, phí chế biến bao bì USD 0.60, cước tàu USD 0.15) giá thành xuất khẩu đã là 5.20 USD/kg (CF Japan main port) thì không thể nào xuất khẩu nổi vì giá mua cao nhất thông thường chỉ 4.80 USD/kg CF.

Tôi còn nhớ, vào những năm 1988-1992, vào mùa, Cá Thu nhiều đến độ các nhà máy chế biến thủy sản khu vực miển Trung như F16 (Quy Nhơn), F17 (Nha Trang), F18 (Phan Rang), F19 (Phan Thiết) làm không xuể phải muối cá trực tiếp xuống sàn phân xưởng, xung quanh vách tường phân xưởng cao cả mét, công nhân làm việc tăng 3 ca mà cũng không làm hết, đành phải ngưng mua của ngư dân.

Ở Nha Trang, cá Thu nhiều đến độ đi chợ nào cũng đầy ắp một loại cá. Cá còn được gánh đi bán tận hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với giá 1 con cá 5 kg chỉ bằng 1 lon gạo. Dân nhà nghèo mua cá ăn thế cơm. Ăn không hết, xẻ phơi khô, làm chà bông cá mà cũng còn cá quá trời. Vài hôm sau, cá đánh bắt được tiếp tục đổ về cảng đành phải chở đi làm nước mắm, sang và phí thật.

Còn bây giờ, kiếm được con Cá Thu đỏ con mắt. Có bao nhiêu cá Thu ở cảng, dân lái gom xuất cho Trung Quốc hết (giá cá nguyên liệu mua 120.000 VND/kg cớ 5 kg Up), Việt Nam có đâu nữa mà ăn.! Buồn thay.

1 bình luận | Viết bình luận

Lại Văn Ngọ
lúc 02:38 13 tháng 10, 2012 [Reply]
vui lòng liên hệ

Thạc sĩ: Võ Minh Sơn
Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2
Điện thoại: 0982.949.827
Email 1: sonria2@gmail.com
Email 2: vominhson@yahoo.com