"Tác nhân gây “bệnh sữa” trên tôm hùm nuôi ở miền Trung Việt Nam"



Cuối năm 2007, một loại bệnh lạ mới xuất hiện trên tôm hùm (Panulirus spp) nuôi tại miền trung Việt Nam, bệnh lây lan nhanh và bùng phát thành dịch bệnh ở một số tỉnh có nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận….gây thiệt hại nhiều tỷ đồng và giảm đáng kể sản lượng cũng như tính ổn định của nghề nuôi tôm hùm của nước ta.

Tôm bệnh thường thể hiện dấu hiệu bệnh lý rất đặc thù là máu và dịch tiết của tôm có màu trắng đục như sữa (hình ảnh). Do tính chất bùng phát trên diện rộng và lây lan nhanh nên có một số quan điểm cho rằng có thể đây là bệnh gây ra bởi tác nhân là virus (vì virus PaV1 đã từng được thông báo là tác nhân gây bệnh cho Juvenile của tôm hùm gai ở Florida Keys bở nhóm tác giả Jeffrey D. Shields và ctv 2004). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh của trường đại học Nha Trang đã làm sáng tỏ nghi vấn trên. Có 2 loại tác nhân nghi ngờ được tìm thấy trên các mẫu tôm bị bệnh là vi khuẩn và virus.

+ Tác nhân vi khuẩn: Được tìm thấy ở 100% mẫu tôm bệnh (n=60). Đây là một loại vi khuẩn lạ gam (-), cong như hình trăng khuyết, kích thước 1,5-2,5µm, tồn tại tự do, dày đặc trong hemolymph của tôm bệnh và trong nguyên sinh chất của các tế bào của mô liên kết của gan tụy. Những nỗ lực trong nghiên cứu phân lập vi khuẩn bằng các loại môi trường tổng hợp bằng phương pháp hiếu khí, vi hiếu khí, bổ sung máu tôm khỏe vào môi trường nuôi cấy… đều thất bại.

+ Tác nhân virus: Nghiên cứu mô bệnh học ngoài phát hiện vi khuẩn còn phát hiện một loại thể vùi (inclusion body) của virus trong mô gan tụy và mô mang của tôm bệnh. Không giống với thể vùi của PaV1, đây là loại thể vùi hình cầu, hình trứng, nằm ngoài nhân, bắt màu tím của hematocyline. Loại thể vùi này có thể tìm thấy trên 58,7% mẫu tôm bệnh (n=60) và 42,9% mẫu tôm khỏe (n=35).
Tuy nhiên, vi khuẩn hay virus mới là tác nhân chính? Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm gây nhiễm cho tôm khỏe với hemolymph của tôm được pha loãng với nước muối sinh lý và lọc qua màng lọc 0,2µm để đánh giá vai trò của virus và thí nghiệm khác được tiêm với hemolymph của tôm bệnh nhưng không lọc để đánh giá vai trò của vi khuẩn. Thí nghiệm này có các lô đối chứng để kiểm soát. Kết quả thí nghiệm cũng cho phép kết luận tác nhân chính gây bệnh này là vi khuẩn và loại trừ tác nhân là virus. Dựa vào tính chất ký sinh nội bào, đặc tính khó nuôi cấy, những biến đổi bệnh lý đặc thù (mô bệnh học), kết hợp nghiên cứu kính hiển vi điện tử nhóm nghiên cứu đã xếp vi khuẩn này vào nhóm Rickettsia tạm gọi là Rickettsia-like bacteria (RLB) (Đỗ Thị Hòa và ctv 2007).
Tác giả bài viết: Đồng Hà